CHĂM SÓC LAN CẨM CÙ LÁ TRÁI TIM

CHĂM SÓC LAN CẨM CÙ LÁ TRÁI TIM (Hoya kerrii)


Có thể nói Cẩm cù lá trái tim là loại hoa dễ trồng, nếu không muốn nói là khá dễ. Cây không cần chăm sóc, bón phân kỹ lưỡng vẫn có thể sinh trưởng, phát triển bình thường. Cây có thể trồng ngoài trời hoặc trong nhà kính, thích ánh sáng tán xạ khoảng 50-60% độ sáng trực tiếp của ánh nắng mặt trời cộng với môi trường ẩm độ cao nhưng không cần quá nhiều nước
Chất trồng của Cẩm cù lá trái tim có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải đảm bảo độ xốp, thoáng khí và tất nhiên phải đủ dinh dưỡng. Một số chất trồng dễ kiếm như là tro trấu, xơ hay mùn dừa, gỗ mục, hỗn hợp đất trồng cây bán sẵn, gạch vụn, đá bọt, đá non, đá perlite, phân bò khô… trộn với tỷ lệ thích hợp sao cho chất trồng tơi xốp và thoáng khí. Đối với cây mới dâm ươm từ lá và thân dây leo có thể cho xơ dừa hoai mục 100% nhằm kích thích chúng ra rễ nhanh

Cách chăm sóc cẩm cù lá trái tim và các yếu tố ngoại cảnh

1. Tưới nước
Cẩm cù lá trái tim là loài thực vật ưu ẩm độ cao, cây có thể chịu khô rất tốt nhưng cây rất nhạy cảm với việc tưới nước quá nhiều. Trong điều kiện bình thường, cây trồng trong chậu với lượng chất trồng vừa phải nên tưới mỗi tuần từ 1 đến 2 lần là đủ tùy mùa. Nếu trồng ngoài trời, không nên tưới nước vào mùa mưa vì có thể làm cho cây úng và chết. Nên tưới nước khi chất trồng vừa khô, có thể tưới cho nước chảy ra ngoài theo lỗ thoát của chậu nhưng đảm bảo nước sẽ không đem theo cả chất trồng ra ngoài. Chậu trồng cần đảm bảo thoát nước tốt.

2. Bón phân
Cẩm cù lá trái tim thực sự không cần bón phân nhiều vì nếu chất trồng đủ dinh dưỡng đã đảm bảo cho cây phát triển lâu dài và ổn định. Tốt nhất chỉ nên tưới phân qua lá, khoảng 1-2 lần mỗi tháng. Nếu ta thay chậu, không nên bón phân trong vòng 20 ngày sau đó cho tới khi cây ổn định và phát triển bình thường. Nếu dùng phân bón nhiều quá sẽ làm cho cây không trổ hoa. Trường hợp bạn muốn lấy lá để tạo ra những cây mới từ lá trái tim thì đương nhiên phải tăng cường phân bón. Tốt nhất là bón phân Dinamic dạng hạt kết hợp với phun thuốc kích thích sinh trưởng chitosan, phân bón lá đầu trâu, sau khoảng 15 đến 20 ngày cây hấp thụ và cho lá lớn hơn, tuy vậy với cách bón phân này bạn sẽ không kích thích được chúng có hoa, mà lá lớn thuận lợi cho việc cắt lá vẽ hình.

3. Ánh sáng
Hầu hết Cẩm cù lá trái tim đều ưa thích ánh sáng tán xạ. Cây cần lượng ánh sáng thích hợp để quang hợp và trổ hoa. Cây sẽ phản ứng với độ sáng khác nhau và sẽ có hình dáng, màu sắc tương ứng. Nếu ta để chỗ râm mát quá, cây có xu hướng ít ra hoa, lá sẽ rất xanh tốt và thân dây phát triển mạnh. Ngược lại, nếu để chỗ nhiều nắng quá, cây trở nên chậm phát triển hơn, có thể ra hoa nhiều hơn nhưng lá sẽ chuyển màu sang vàng hay thậm chí đỏ. Nên trồng cây dưới giàn có lưới che như phong lan hoặc cũng có thể trồng chung với phong lan dưới giàn. Trong thực tế, một số nơi phù hợp với việc trồng cẩm cù lá trái tim là dưới hiên nhà có nắng nhưng không nên đặt cây trực tiếp ngoài ánh nắng mặt trời, dưới tán cây lớn, trồng chung với giàn hoa phong lan, bên cửa sổ…

4.Nhiệt độ và ẩm độ
 Yếu tố nhiệt độ vùng nhiệt đới chúng ta không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển của Cẩm cù lá trái tim; chủ yếu ảnh hưởng đến việc ra hoa. Cây thường ra hoa ít hơn vào mùa lạnh so với mùa nóng. Nếu có nhiệt độ phù hợp, cây trổ hoa rất nhiều tạo nên một loạt quả cầu hoa rất đẹp mắt và ấn tượng. Yếu tố ẩm độ lại ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển của Cẩm cù, cây sẽ phát triển tốt, ra hoa đều đặn quanh năm nếu có nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng phù hợp. Cây ưa thích môi trường có độ ẩm cao. Do đó, khi trồng và chăm sóc, tốt nhất ta nên tạo độ ẩm và ánh sáng phù hợp thì cây sẽ cho hoa kết quả tốt nhất.

5. Sâu bệnh

5.1. Sâu hại cẩm cù lá trái tim và biện pháp phòng trừ
Cẩm cù lá trái tim ít bị các loại sâu hại tấn công, sâu hại phổ biến là rệp sáp, rệp phấn trắng, rệp vàng. Khi cây bị nhiễm rệp, có thể dùng các loại thuốc đặc trị và phun thẳng lên lá theo nồng độ hướng dẫn. Chúng tôi đang sử dụng Diazan kết hợp với kích thích sinh trưởng chitosan để tác động và cho hiệu quả khá cao.

5.2. Bệnh hại cẩm cù và biện pháp chữa trị

Cẩm cù cũng rất ít bị nhiễm bệnh, một số ít nấm có thể nhiễm làm cây bị bệnh, lá thường có đốm đem, nâu, cây chậm phát triển. Bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất ở Cẩm cù là bệnh ‘nứt gốc’ dẫn tới chết cây, Bệnh thối góc chủ yếu do duy trì lượng nước tưới quá nhiều, chậu không thoát nước ra ngoài làm cho cây bị úng. Việc phòng bệnh là cách hữu hiệu nhất. Dùng chất trồng sạch, tạo môi trường vệ sinh, thoáng mát giúp cây trồng không bị nhiễm các loại nấm bệnh.

Hãy liên hệ chúng tôi nếu bạn quan tâm về cây xanh phong thủy, cây xanh nội thất, cây xanh văn phòng, cây xanh để bàn.

MUACAYPHONGTHUY.COM nhận đơn đặt hàng và giao hàng với mọi số lượng trên toàn quốc, khi mua bất kì sản phẩm cây trồng bạn sẽ được các chuyên gia tư vấn trực tiếp miễn phí về cách sử dụng và cách chăm sóc cây và cách trồng cây cho từng loại cây trồng mà bạn chọn, chúng tôi sẽ tư vấn trực tiếp qua email, facebook, zalo và điện thoại.

Khi bạn đặt mua, vui lòng cho chúng tôi biết tên sản phẩm, mã số sản phẩm,
số lượng qua 
HOTLINE :  0121 37 68877
EMAIL: muacayphongthuy@gmail.com
Share on Google Plus

About muacayphongthuy.com

Admin_ "Mua Cây Phong Thủy" www.muacayphongthuy.com.
    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét